Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu:
Rừng cọ quê tôi
Chẳng có nơi nào như sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng.
Thân cọ vút thẳng trời hai ba chục mét cao, gió bão không thể quật ngã. Búp cọ vuốt dài như thanh kiếm sắc vung lên. Cây non vừa trồi, lá đã xoà sát mặt đất. Lá cọ tròn xoè ra nhiều phiến nhọn dài, trông xa như một rừng tay vẫy, trưa hè lấp loá nắng như rừng mặt trời mới mọc. Mùa xuân, chim chóc kéo về từng đàn. Chỉ nghe tiếng hót líu lo mà không thấy bóng chim đầu.
Căn nhà tôi núp dưới rừng cọ. Ngôi trường tôi học cũng khuất trong rừng cọ. Ngày ngày đến lớp, tôi đi trong rừng cọ. Không đếm được có bao nhiêu tàu lá cọ xoè ô lợp kín trên đầu. Ngày nắng, bóng râm mát rượi. Ngày mưa, cũng chẳng ướt đầu.
Quê tôi có câu hát:
Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người sông Thao.
Người sông Thao đi đâu rồi cũng nhớ về rừng cọ quê mình.
Theo Nguyễn Thái Vận
a. Tìm mở bài, thân bài, kết bài của bài văn.
b. Xác định nội dung của mỗi đoạn văn ở phần thân bài.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lưu ý:
1. Mở bài: Giới thiệu chung về cảnh.
2. Thân bài: Tả đặc điểm nổi bật của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian.
3. Kết bài: Nếu nhận xét, tình cảm, cảm xúc,... về cảnh hoặc liên hệ thực tế.
Lời giải chi tiết:
a.
- Mở bài: Chẳng có nơi nào như sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng.
- Thân bài:
Từ “Thân cọ vút thẳng trời hai ba chục mét cao, gió bão không thể quật ngã. Búp cọ vuốt dài như thanh kiếm sắc vung lên.” Đến “Ngày nắng, bóng râm mát rượi. Ngày mưa, cũng chẳng ướt đầu.”
- Kết bài:
Quê tôi có câu hát:
Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người sông Thao.
Người sông Thao đi đâu rồi cũng nhớ về rừng cọ quê mình.
b. Xác định nội dung của mỗi đoạn văn ở phần thân bài.
- Đoạn 1: Tả đặc điểm của cây cọ.
- Đoạn 2: Vị trí, vai trò của cây cọ đối với quê hương.
Xem thêm tại: https://loigiaihay.com/soan-bai-bai-van-ta-phong-canh-sgk-tieng-viet-5-tap-1-chan-troi-sang-tao-a157279.html